Loạt địa phương bội thu,ịchđãthựcsựthắnglớava sport về đích sớm
Tháng cuối cùng của năm, nhiều địa phương tổng kết tình hình KT-XH năm 2023 với kết quả nổi bật thuộc về ngành du lịch. Ấn tượng nhất phải kể đến Quảng Ninh. "Hub" du lịch hàng đầu khu vực phía bắc được ghi nhận là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất cả nước. Chưa hết năm nhưng Quảng Ninh đã đạt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 2 triệu lượt khách quốc tế. Con số tăng trưởng đã vượt so với năm 2022 khoảng 43% và mang về cho ngân sách hơn 32.000 tỉ đồng doanh thu từ du lịch.
Tương tự, Đà Nẵng, thủ phủ du lịch miền Trung, đã có 1 năm phục hồi ngoạn mục khi đạt 7,39 triệu lượt du khách dù chưa "chốt sổ" năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và đã đạt 92% so với 2019. Kết quả này có được nhờ sự bùng nổ của thị trường nội địa khi ghi nhận tốc độ tăng tới 66% so với năm trước và bằng 113% năm 2019. Bên cạnh đó, dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng cũng dự kiến đạt gần 2 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2022, bằng 61% so với thời điểm trước dịch. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 28.000 tỉ đồng.
Bất ngờ khi du lịch cũng livestream... bán hàng: KOL tiếp sức quảng bá!
Cũng tại miền Trung, hoạt động du lịch của TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) trong năm nay ghi nhận bước phục hồi và tăng trưởng rất tốt. Theo thống kê của UBND TP.Huế, tổng lượng khách đến Huế sau gần 12 tháng đạt 2,1 triệu người, tăng 12% so với năm 2022. Đặc biệt, doanh thu du lịch ước đạt 4.585 tỉ đồng, tăng tới 186,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là một trong 4 mục tiêu mà TP.Huế đã vượt kế hoạch đề ra năm 2023. Cũng hào hứng thông báo du lịch "thắng lớn", tỉnh Bình Thuận đã vượt chỉ tiêu đón 8,3 triệu du khách, ngay từ khi kết thúc tháng 11. Chưa hết năm mà Bình Thuận đã đón hơn 9,6 triệu lượt khách, tăng 16,4% so với dự kiến, riêng lượng khách nước ngoài tăng gấp 2 lần so với năm ngoái, đạt gần 500.000 lượt khách. Ngành du lịch giúp ngân sách tỉnh "bỏ túi" hơn 20.000 tỉ đồng, đưa Bình Thuận chính thức đặt chân vào danh sách các địa phương có doanh thu du lịch lớn, trên 10.000 tỉ đồng.
Lý giải sự tăng trưởng "nóng" này, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận, cho biết năm 2023 du lịch tỉnh có nhiều yếu tố thuận lợi. Trong đó, các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào hoạt động đã giúp Bình Thuận có bước tiến nhảy vọt, tăng hơn 2 triệu lượt khách. Hiện tỉnh đang tiếp tục sửa sang, chuẩn bị đón lượng khách mới sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động. Lãnh đạo Bình Thuận dự đoán sân bay hoạt động sẽ giúp thu hút lượng khách thêm gấp nhiều lần.
Trước đó, Lào Cai là địa phương đầu tiên thông báo đã về đích sớm kế hoạch đón khách của cả năm 2023. Tổng kết 10 tháng, Lào Cai đã đón 6,5 triệu lượt khách, bằng 108% so với kế hoạch năm, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong thời gian này, Sa Pa đã vào top 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới do một tạp chí của Mỹ bình chọn và luôn là địa phương dẫn đầu về tăng trưởng du lịch trong khu vực miền núi phía bắc cũng như khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Từng địa phương ghi nhận du lịch là "điểm sáng" của nền kinh tế đã tạo nên bức tranh chung toàn ngành du lịch VN rực rỡ. Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của Công ty CP Báo cáo đánh giá VN (Vietnam Report), nổi bật trong năm 2023 là sự bùng nổ của thị trường khách nội địa và quốc tế. Chỉ trong 11 tháng đầu năm, VN đã đạt 11,2 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu khách từ đầu năm và đạt trên 85% mục tiêu đón 12 - 13 triệu lượt khách mà Bộ VH-TT-DL mới đặt kỳ vọng.
Vietnam Report nhận định, chính sách thị thực (visa) thông thoáng là một trong những lý do khiến 3 tháng gần đây, khách nước ngoài đến VN liên tục tăng. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách quốc tế, thị trường du lịch nội địa cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi 11 tháng, khách nội địa đạt 103,2 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng qua ước đạt 616.000 tỉ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34.000 tỉ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hệ sinh thái du lịch vẫn chật vật
Mặc dù lượng khách tại nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục, nhưng công suất phòng của hàng loạt cơ sở lưu trú vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Khảo sát của Vietnam Report tại TP.HCM cho thấy nguồn cung cơ sở lưu trú đạt 15.641 phòng, công suất phòng đạt trung bình 58% với mức giá 1,9 triệu đồng/phòng/đêm. Đối với thị trường Hà Nội, nguồn cung đạt 10.962 phòng, công suất phòng ở mức 61% với giá 2,7 triệu đồng/phòng/đêm.
Tại Hội An (Quảng Nam), du lịch đang khởi sắc với tổng doanh thu ngành ước đạt hơn 2.568 tỉ đồng; nhưng nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng khu vực này lại đang lâm vào cảnh túng quẫn, thu không đủ bù chi, phải bán tài sản để trả nợ. Làn sóng tháo chạy của nhiều chủ khách sạn, homestay tại Hội An vẫn chưa dừng lại. Không khó để bắt gặp một số mặt bằng "đất vàng" vắng khách treo biển cho thuê giảm giá 30 - 50% .
Không chỉ khách sạn, luôn được ví như "2 cánh của một chiếc máy bay", nhưng có vẻ ngành hàng không vẫn đang bất lực nhìn du lịch tăng trưởng. Tất cả 4 hãng hàng không đều đang "tơi tả" gánh lỗ. Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia của VN, ghi nhận lỗ 3 năm liên tiếp, thậm chí đối diện nguy cơ hủy niêm yết. Bamboo Airways thì liên tục thay đổi nhân sự cấp cao, đồng thời gửi thông báo đến các đại lý về việc tạm dừng hàng loạt đường bay quốc tế, giảm tần suất nhiều đường bay trục chính, đường bay ngách tại thị trường nội địa, nhằm phục vụ tái cơ cấu.
Ban lãnh đạo Vietravel Airlines cũng cho biết vẫn đang nhọc nhằn gánh lỗ. Riêng Vietjet Air hết quý 3 báo lãi sau thuế hợp nhất 55 tỉ đồng, nhưng phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của các mảng phụ trợ, chuyển quyền sở hữu và thương mại máy bay. Bên cạnh đó, ngay trước thềm cao điểm Tết Nguyên đán nhưng hàng loạt đường bay của các hãng bị cắt giảm, đội tàu bay thì vẫn dần thu hẹp.
Lý giải thực trạng này, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, cho rằng đầu tiên cần xem xét lại số liệu thống kê của ngành du lịch. Chúng ta trước nay cứ gom tổng tất cả lượng khách từ nước ngoài đến VN và "ôm" về ngành du lịch, trong khi trong số gần 12 triệu khách đó của năm nay, có bao nhiêu người đến với mục đích du lịch, bao nhiêu người về thăm thân nhân, bao nhiêu người tới chỉ làm việc 1 - 2 ngày rồi đi, bao nhiêu khách ngoại giao, khách công vụ…, tất cả không được phân loại, chỉ rõ. Nếu là những đối tượng khách quốc tế đến vì mục đích công việc thì họ vào địa phương nào, địa phương đó hưởng lợi. Họ không đi du lịch nên những tỉnh thành khác vẫn "đói" khách.
Cùng với đó là khoản chi tiêu cho các loại hình dịch vụ đi kèm không cao nên hệ sinh thái du lịch không được hưởng lợi nhiều. Bên cạnh đó, một số địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết… từ trước đến nay đối tượng khách quốc tế chủ yếu là khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Sự vắng bóng của 2 thị trường Nga và Trung Quốc đã để lại khoảng trống lớn chưa thể lấp đầy, khiến mức độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào khách nội địa. Du khách Việt thì có thể năm nay đi điểm này, năm sau sẽ đổi qua tỉnh khác hoặc nếu giá tour trong nước cao thì sẽ chuyển hướng đi nước ngoài. Khi thị trường nội địa hạ nhiệt thì hàng không, hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ cũng sẽ gặp khó khăn.
"Nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê để đánh giá du lịch đã có 1 năm thành công hay không thì rất khó. Cần phân loại rõ ràng nguồn khách, đối tượng khách để biết tệp khách hàng mục tiêu đã đến với chúng ta chưa, có thật sự đã phục hồi như mong đợi không. Bên cạnh đó, cần thống kê chính xác mức chi tiêu của khách bởi trường hợp số lượng khách đến chưa đạt như thời điểm trước dịch, nhưng nếu chúng ta lại đón được đối tượng khách ở dài ngày, chi tiêu cao, nhiều ngành được hưởng lợi thì đó cũng là sự chuyển dịch tích cực", ông Trần Thế Dũng nhận xét.
Loạt "bom tấn" tạo bệ đỡ cho năm 2024 bứt tốc
Đúng như đánh giá của ông Trần Thế Dũng, mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất tốt so với 2022 nhưng để phục hồi về như thời hoàng kim trước 2019, ngành du lịch còn phải nỗ lực rất nhiều. Đó là lý do các địa phương cùng doanh nghiệp đang tăng tốc trên "cuộc đua" làm mới hình ảnh du lịch.
Điển hình như Phú Quốc, sau 1 năm gặp "sự cố", đảo ngọc đang nỗ lực giành lại vị thế của thiên đường nghỉ dưỡng khi chính thức công bố chiến dịch kích cầu du lịch "Tôi yêu Phú Quốc - I Love Phu Quoc". Mở đầu cho chiến dịch là sự ra quân đồng loạt của liên ngành giám sát hoạt động du lịch, ban hành bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh nhằm mục tiêu tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng điểm đến văn minh, thân thiện, đẳng cấp quốc tế cho đảo ngọc.
Đi cùng đó là chùm công trình "bom tấn", sản phẩm đẳng cấp khi được Tập đoàn Sun Group đầu tư tới 4.000 tỉ đồng, gồm: khai trương Cầu Hôn - kiệt tác nghệ thuật hứa hẹn Thị trấn Hoàng hôn trở thành một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới; ra mắt khách sạn La Festa Phu Quoc của thương hiệu Curio Collection by Hilton; trình làng Chợ đêm sáng tạo Vui Phết - Vui - Fest Bazaar cùng hàng loạt trải nghiệm đưa Phú Quốc trở thành "hiện tượng" dịp cuối năm nay và đầu năm 2024. TP.HCM cũng vừa trở thành TP duy nhất trên thế giới có hoạt động city tour bằng xe buýt hai tầng mui trần 24/24 giờ, củng cố thương hiệu "TP không ngủ", bên cạnh việc ra mắt nhiều tour đường thủy mới…
Một chuyên gia du lịch đánh giá loạt "bom tấn" mới sẽ là bệ đỡ cho du lịch năm 2024 bứt tốc mạnh mẽ hơn. Hiện nay, kinh tế khó khăn, nhiều biến động về chính trị, xã hội trên thế giới thì cả khách quốc tế và khách trong nước cũng sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chọn lựa khắt khe hơn về điểm đến. Trong bối cảnh đó, việc tạo ra những sản phẩm mới, đẳng cấp để tăng sức cạnh tranh, thu hút đối tượng khách mục tiêu đến, ở dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng vì du khách có nhiều lựa chọn nên nơi nào thân thiện, dễ đến, tạo cho khách cảm giác được chào đón thì sẽ thắng.
Vì thế, chính sách visa cho một số thị trường trọng tâm như Úc, Mỹ, châu Âu… cần cởi mở hơn nữa. Chính sách giá dịch vụ trong nước cũng cần xây dựng, tính toán sao cho hợp lý để cấu thành giá tour phù hợp, đủ sức cạnh tranh. Song song là chiến lược đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng quốc tế. Việc này phải làm thường xuyên, theo một chiến dịch bài bản mang tầm quốc gia, quốc tế.
"Muốn du lịch phục hồi, phải đầu tư thật mạnh. Cần xác định đây là giai đoạn phục hồi và thu hút khách trở lại, không phải thời kỳ "bong bóng" bùng nổ nên rất cần những chính sách phù hợp, phối hợp nhịp nhàng để tạo nên kết quả tốt nhất", vị chuyên gia du lịch này đề xuất.
Visa tiếp tục được chờ đợi là "đòn bẩy" cho 2024
Kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) ngành du lịch, khách sạn của Vietnam Report cho biết 66,7% số DN cho rằng triển vọng ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn một chút. Trong đó, chỉ tiêu về doanh thu được 92,9% DN kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024; theo sau là lợi nhuận và lượt khách (với 85,7% DN). Chính sách visa tiếp tục được 92,9% DN tham gia khảo sát coi là "đòn bẩy" chính giúp du lịch VN tiếp tục tăng trưởng.
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 140.000 khách mỗi ngày dịp cao điểm Tết
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết dịp cao điểm tết sắp tới, dự kiến đón trung bình khoảng 140.000 lượt khách mỗi ngày. Cụ thể, dịp cao điểm Tết dương lịch 2024 (từ 23.12.2023 - 2.1.2024), dự kiến mỗi ngày có khoảng 680 - 740 chuyến bay đi và đến Sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách trung bình khoảng 110.000 - 120.000 khách/ngày. Giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bắt đầu từ 26.1 - 24.2.2024), dự kiến mỗi ngày Sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 860 - 900 chuyến bay đi và đến, lượng khách trung bình khoảng 135.000 - 140.000 khách/ngày. Để chuẩn bị cho dịp cao điểm tết, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chủ động họp trước cao điểm và đưa ra các phương án thống nhất với tất cả các đơn vị tham gia hoạt động khai thác tại sân bay; phối hợp, bố trí nhân sự kịp thời tại Trung tâm điều phối khai thác; tăng cường nhân sự, xây dựng kế hoạch làm việc chi tiết tại từng vị trí, cũng như trong công tác khẩn nguy; điều tiết các phương tiện, trang thiết bị hợp lý, không để xảy ra tắc nghẽn…